Mô hình thiết kế giảng dạy 4 thành phần – 4C/ID

Chào Bạn,
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Mô hình thiết kế giảng dạy 4 thành phần (Four-component Instructional Design – 4C/ID). Mô hình này được đề xuất lần đầu tiên bởi Giáo sư Merriënboer vào năm 1997 và cho đến nay mô hình này đã được nhiều Learning Designer áp dụng để thiết kế các khóa học phức hợp (complex learning).
Nào bây giờ mời bạn tìm hiểu về mô hình 4C/ID nhé!
Mô hình thiết kế giảng dạy 4 thành phần (Four-component Instructional Design-4C/ID) là mô hình thiết kế được sử dụng để tạo ra các khóa học hướng đến học tập phức hợp (complex learning). Theo Jeroen J. G. van Merriënboer (tác giả của mô hình 4C/ID), dựa trên mô hình này khóa học phức hợp sẽ được thiết kế giúp người học nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng liên quan và thái độ chuẩn mực thông qua những nhiệm vụ cụ thể.

Hình 1: Giáo sư – Tiến sĩ Jeroen Van Merriënboer

Nguồn ảnh: https://www.amazon.ca/Jeroen-J-G-van-Merri%C3%ABnboer/e/B001I7IF4W/ref=dp_byline_cont_pop_book_1

4 thành phần mà tác giả Merriënboer  cho rằng cần quan tâm khi thiết kế khóa học phức hợp đó là: 
  • Nhiệm vụ học tập (Learning Task)
  • Thông tin hỗ trợ (Supportive Information)
  • Thông tin hướng dẫn thực hiện (Procedural Information)
  • Bài tập thực hành (Part-task).
Mô hình này cung cấp những hướng dẫn giúp phân tích các nhiệm vụ thực tế, từ đó lên kế hoạch chi tiết cho một chương trình giảng dạy. Mô hình này có thể được áp dụng để thiết kế bất kỳ khóa học nào, tuy nhiên thường được ưu tiên sử dụng để thiết kế và phát triển các chương trình giảng dạy chuyên sâu và quan trọng, có độ dài từ vài tuần đến vài năm (đào tạo về y tế, truyền thông, kỹ thuật, giảng dạy, giải quyết vấn đề, điều khiển không lưu…). Mục đích của mô hình 4C/ID là thiết kế ra các khóa học phát triển các kỹ năng hoặc năng lực phức tạp. Nhưng còn tùy thuộc vào lĩnh vực mà bạn muốn giảng dạy, một số hướng dẫn của mô hình này có thể dễ dàng áp dụng, trong khi các lĩnh vực khác có thể khá khó và đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn.
Vào 10-11/2022 , The School of Health Professions Education (SHE) thuộc Đại học Maastricht (Hà Lan) đang lên kế hoạch tổ chức Workshop trực tiếp, hướng dẫn sử dụng “Mô hình thiết kế giảng dạy 4 thành phần”  được hướng dẫn bởi chính Giáo sư – Tiến sĩ Jeroen Van Merriënboer. Khóa học đặc biệt thích hợp với Learning Designer làm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp y tế nhưng nếu ở các lĩnh vực khác ban tổ chức vẫn rất khuyến khích tham gia. (Xem thông tin chi tiết tại đây).

Giải thích sơ lược về 4 thành phần trong mô hình 4C/ID

Theo mô hình 4C/ID, một chương trình giáo dục nên được xây dựng từ 4 thành phần, (ở đây mình tạm dịch các thành phần này như sau):
  • Nhiệm vụ học tập (Learning Task)
  • Thông tin hỗ trợ (Supportive Information)
  • Thông tin hướng dẫn thực hiện (Procedural Information)
  • Bài tập thực hành (Part-task)

Hình 2: 4 thành phần trong mô hình 4C/ID

Nguồn ảnh: https://www.4cid.org/wp-content/uploads/2021/04/vanmerrienboer-4cid-overview-of-main-design-principles-2021.pdf 

Dịch và tổng hợp nội dung: Bao Le

1. Nhiệm vụ học tập (Learning Task)
Những nhiệm vụ học tập được coi là xương sống của một chương trình giáo dục, và có các đặc điểm như sau:
  • Mục tiêu của những nhiệm vụ học tập này là tích hợp các kỹ năng (cần thực hiện thường xuyên hoặc không thường xuyên), kiến thức và thái độ.
  • Cung cấp trải nghiệm chân thực, toàn bộ nhiệm vụ được trải nghiệm phải được dựa trên những nhiệm vụ thực tế.
  • Được tổ chức theo cấu trúc từ đơn giản đến phức tạp, các hỗ trợ sẽ được giảm dần qua mỗi bậc nhiệm vụ.
  • Cho thấy sự thực hành linh hoạt.
Các nhiệm vụ học tập này thúc đẩy một quá trình học tập cơ bản được gọi là học quy nạp – người học học bằng cách rút ra kiến thức và kinh nghiệm sau khi giải quyết các tình huống thực tế.
2. Thông tin hỗ trợ (Supportive Information)
Đây là các thông tin hỗ trợ cho việc học và thực hành các lý luận và giải quyết vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ học tập. Các thông tin này đóng vai trò như lý thuyết, cung cấp các kiến thức thuộc lĩnh vực mà nhiệm vụ học tập đang đề cập và chỉ ra những vấn đề trong các lĩnh vực này nên được tiếp cận như thế nào. Những thông tin này sẽ giúp người học lấp đầy những khoảng trống kiến thức, kỹ năng và thái độ để có thể giải quyết các nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Phần lý thuyết này có các đặc điểm như sau:
  • Giải thích cách tiếp cận các vấn đề trong lĩnh vực đang đề cập và cách lĩnh vực này được tổ chức.
  • Được giải thích rõ ở mỗi bậc nhiệm vụ, có thể cung cấp trước khi thực hiện nhiệm vụ hoặc có thể tham khảo bất cứ lúc nào học viên cần.
  • Thông tin hỗ trợ ở mức độ phức tạp tiếp theo sẽ là thông tin được mở rộng, được làm phong phú thêm so với thông tin đã trình bày trước đó.
3. Thông tin hướng dẫn thực hiện (Procedural Information)
Thông tin hướng dẫn thực hiện là :
  • Thông tin cực kỳ quan trọng cho việc học và thực hiện các kỹ năng , kiến thức cần sử dụng thường xuyên khi thực thực nhiệm vụ học tập.
  • Chỉ ra chính xác cách thực hiện các khía cạnh lặp đi lặp lại của nhiệm vụ. Ví dụ: các bước thực hiện 1 quy trình nào đó.
  • Được thể hiện đúng lúc trong từng thời điểm của quá trình làm việc và nhanh chóng biến mất khi người học  tiếp thu nhiều kiến thức mới hơn.
4. Bài tập thực hành (Part-task)
  • Các bài tập thực hành cung cấp thêm bài tập cho những khía cạnh được chọn lọc cần được thực hành nhiều hơn.
  •  Giúp cung cấp lượng lớn tần suất lặp lại để gia tăng nhận thức, với mục đích giúp người học đạt được mức độ nhạy bén/tự động cao.
  • Cần lưu ý là các nội dung được chọn để thực hành thêm phải được giới thiệu trong bối cảnh của toàn nhiệm vụ trước đó.
Bốn thành phần nhằm vào bốn quá trình học tập cơ bản: 
(1) Các nhiệm vụ học tập hỗ trợ học tập quy nạp.
(2) Thông tin hỗ trợ tạo điều kiện cho việc xây dựng kiến thức.
(3) Thông tin hướng dẫn thực hiện tạo điều kiện cho người học biết và áp dụng các quy tắc, các bước trong quy trình.
 (4) Bài tập thực hành tạo điều kiện cho người học củng cố, nhuần nhuyễn các quy tắc các bước trong quy trình.
**** Để tìm hiểu chi tiết hơn về Mô hình 4C/ID và làm thế nào để áp dụng mô hình này vào thiết kế môi trường học tập đa phương tiện cho học tập phức hợp qua tài liệu sau đây:
[1] The Four-Component Instructional Design Model – An Overview of its Main Design Principles
[2] The Four-Component Instructional Design Model: Multimedia Principles in Environments for Complex Learning
[3] Ten Steps to Complex Learning: A Systematic Approach to Four-Component Instructional Design

Ví dụ cơ bản về việc áp dụng 4C/ID trong thiết kế khóa học

CÁCH LÀM TRUYỀN THỐNG:
Theo cách tiếp cận giảng dạy truyền thống các kỹ năng và kiến thức được tách thành các mảng học tập riêng lẻ (tách ra khỏi mối liên hệ giữa chúng với nhau và ra khỏi nhiệm vụ mà chúng áp dụng). Việc tách biệt các kỹ năng và kiến thức dẫn đến một số vấn đề về khi người học áp dụng những gì họ học được vào việc thực hiện công việc.
Ví dụ, trong chương trình onboarding, một nhân viên hỗ trợ khách hàng sẽ học các khóa học về kiến thức sản phẩm và hệ thống thông tin khách hàng. Sau khi kết thúc khóa học, người nhân viên mới đã có các kiến thức và kỹ năng cần thiết  để trở thành nhân viên hỗ trợ khách hàng của công ty. Tuy nhiên, khi bắt tay nhận cuộc gọi đầu tiên từ khách hàng, người nhân viên này lại cảm thấy lúng túng và không biết làm sao để liên kết các kiến thức, kỹ năng đã học để xử lý tình huống thực tế.
CÁCH LÀM ÁP DỤNG 4C/ID:
Áp dụng 4C/ID, khóa học onboarding cho nhân viên mới sẽ gồm 4 thành phần: Nhiệm vụ học tập, Thông tin hỗ trợ, Thông tin hướng dẫn thực hiện và Bài tập thực hành. Learning Designer đã áp dụng 4C/ID để  thiết kế khóa học onboarding này theo 1 quy trình 04 bước như sau:
Bước 1: Xác định Nhiệm vụ học tập 
Nhiệm vụ là tiếp nhận và xử lý một cuộc gọi điện thoại của khách hàng. 
Bước 2: Xác định Thông tin hướng dẫn thực hiện
Đưa ra một quy trình các hành động mà nhân viên kinh doanh bắt buộc thực hiện khi nhận cuộc gọi từ khách hàng. 
Ví dụ: Chào hỏi -> Tìm hiểu yêu cầu của khách hàng -> Xử lý yêu cầu của khách hàng -> Chào kết thúc cuộc gọi
Bước 3: Xác định các tình huống có thể xảy ra khi thực hiện nhiệm vụ
Xác định tính chất của các loại cuộc gọi khác nhau và sắp xếp chúng từ đơn giản đến phức tạp.
Ví dụ: Cuộc gọi:
  • Nhận đơn hàng
  • Hủy đơn hàng
  • Theo dõi đơn hàng
  • Xử lý đơn hàng thiếu
  • Giải quyết khiếu nại của khách hàng
Bước 4: Xác định thông tin hỗ trợ và thông tin hướng dẫn thực hiện cho từng tình huống
Đối với mỗi loại cuộc gọi, cần xác định kiến thức, kỹ năng tối thiểu (thông tin hỗ trợ) và quy trình thực hiện (thông tin hướng dẫn thực hiện) mà người học sẽ cần để hoàn thành cho cuộc gọi đó. Đây là những  kiến thức, kỹ năng và thủ tục cụ thể cần thiết cho từng nhiệm vụ cụ thể.
Khi người nhân viên mới tham gia khóa học kiểu này, họ sẽ được giới thiệu toàn bộ nhiệm vụ mà họ cần thực hiện ở vị trí công việc của mình – đó là xử lý cuộc gọi của khách hàng. Khóa học gồm các nội dung lý thuyết mô tả việc xử lý một cuộc gọi đơn giản theo quy trình, quy định của công ty. Mỗi ngày người nhân viên sẽ thực hành các loại cuộc gọi khác nhau qua mô phỏng nhập vai. Đến khi kết thúc khóa học người nhân viên mới đã thực hành hơn 100 cuộc gọi ở tất cả các tình huống thường gặp. Vì vậy khi bắt đầu công việc thực tế, người nhân viên mới này cảm thấy thân thuộc và nhận ra mình đã từng làm những việc này trước đây nên không còn thấy bỡ ngỡ.
Vậy là qua bài viết này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu:
  1. Giới thiệu chung về “Mô hình thiết kế hướng dẫn 4 thành phần”
  2. Giải thích sơ lược về 4 thành phần trong mô hình 4C/ID
  3. Ví dụ cơ bản về việc áp dụng 4C/ID trong thiết kế khóa học
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này, hẹn bạn ở một nội dung khác nhé!
lehuynhhoaibaoth
lehuynhhoaibaoth
Bài viết: 12
viVietnamese